Để trao truyền vốn dân ca cho thế hệ trẻ...
Một trong những hướng đi để bảo tồn dân ca ví, giặm xứ Nghệ sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đó là truyền tình yêu dân ca cho thế hệ trẻ. Điều này đang được các ban, ngành quan tâm, chú trọng… Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là vấn đề tìm nguồn kế cận.
Khó tuyển sinh
Là cơ sở đào tạo chuyên ngành dân ca duy nhất trên địa bàn tỉnh ta nói riêng và khu vực Bắc miền Trung nói chung, hơn 20 năm nay, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh đưa bộ môn dân ca thành một trong những chuyên ngành tuyển sinh chính của trường. Theo chỉ tiêu hàng năm trường sẽ tuyển từ 15 - 20 em, thế nhưng chưa năm nào trường tuyển đủ chỉ tiêu này, số lượng thí sinh chỉ đạt từ 5 - 7 em mỗi khóa.
Ông Phan Mậu Cảnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để trở thành một diễn viên hát dân ca, các em phải trải qua rất nhiều kỳ sát hạch (trước tiên là thi đầu vào, bắt buộc phải có giọng hát hay, mượt mà, phù hợp với chất liệu dân ca). Quá trình đào tạo tại trường, để hát đúng một câu ví, luyến láy thành thục, đúng điệu, đúng vần, có em phải tập hàng tháng trời. Đó là chưa kể ngoài tập hát, còn phải tập điệu bộ làm sao cho đúng, phù hợp với từng điệu ví, giặm. Sau khi ra trường, các em sẽ được Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ nhận vào làm việc. Tuy nhiên, hiện nay bộ môn này vẫn khó tuyển sinh vì rất nhiều lý do, trong đó, nguyên nhân sâu xa là làm sao để sống được bằng dân ca? Trường hợp em Nguyễn Thị Mai - sinh viên K46, Khoa Thanh nhạc là một ví dụ. Mai sở hữu một giọng hát trời phú ngọt ngào, rất phù hợp với chất giọng dân ca, thế nhưng Mai không chọn chuyên ngành dân ca để theo học mà em chọn Khoa Thanh nhạc để trở thành giáo viên hoặc mở lớp dạy kèm. Mai tâm sự rất thật: “Để sống được với dân ca là điều không hề đơn giản”.
Làm thế nào để thu hút lớp trẻ đăng ký tuyển sinh vào chuyên ngành dân ca đang là trăn trở của Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật. Thời gian tới, trường sẽ tập trung tuyên truyền về chuyên ngành cũng như những định hướng sau khi các em ra trường. Bên cạnh đó, giáo trình giảng dạy cũng được đầu tư bài bản hơn bằng cách tăng cường thêm các giờ thực hành tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Dân ca xứ Nghệ, tổ chức các buổi giao lưu giữa sinh viên nhà trường với các CLB dân ca trong tỉnh để các em cọ xát thực tế, trau dồi chuyên môn. Ví như trong năm 2014, trường đã tổ chức Hội thi hát Dân ca ví, giặm trong phạm vi nhà trường. Để chuẩn bị cho lễ vinh danh Dân ca ví, giặm vào ngày 31/1 sắp tới, trường sẽ tổ chức Hội thảo khoa học “Học sinh, sinh viên với việc bảo tồn và phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ” – Đây là hội thảo khoa học đầu tiên tổ chức với quy mô cấp tỉnh thu hút nhiều tham luận của học sinh, sinh viên trên địa bàn toàn tỉnh. Hy vọng từ những cuộc hội thảo này, các em sẽ yêu thích dân ca hơn, hiểu hơn về dân ca để biết mình phải làm gì để bảo tồn, phát huy vốn di sản quý giá này.
Tiếp lửa niềm đam mê
Dân ca Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đây là niềm động viên vô cùng to lớn đối với những nghệ sỹ của Trung tâm Bảo tồn Dân ca xứ Nghệ, bởi sau bao nhiêu năm trăn trở, chờ đợi đau đáu, họ đã có thể tự hào khi được góp một phần nhỏ bé của mình trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản quý giá của cha ông để lại.
Đến thăm Trung tâm Bảo tồn Di sản Dân ca xứ Nghệ vào đúng lúc anh, chị em văn nghệ sỹ đang say sưa tập luyện chương trình chuẩn bị cho Lễ vinh danh Dân ca ví, giặm được tổ chức vào cuối tháng 1 sắp tới. Trong vai trò Tổng đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Lựu đang nắn chỉnh từng câu hát, từng điệu múa cho các diễn viên trẻ. Nhìn cách chị trao nghề, mới thấy được niềm đam mê của chị dành cho dân ca mãnh liệt đến mức nào. Bởi thế mà những vở diễn chị từng đóng, những vai chị từng tham gia đã trở thành dấu ấn trong lòng khán giả và đồng nghiệp trong tỉnh, trong nước. Đó là bà mẹ Hoàng Thị Loan trong “Danh nhân lớn lên từ câu hò, điệu ví”; đó là chị Nguyễn Thị Minh Khai trong “Sáng mãi niềm tin”; đó là chị Năm trong “Cô gái sông Lam”…
Và để có được danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân như ngày hôm nay, chị đã từng trải qua biết bao khó khăn. Để đam mê với nghề, chị đã từng bán cháo, bán xôi sáng, làm thợ may… Chị bảo: “Tôi vin vào câu hát để sống, tôi vin vào điệu ví để đam mê. Dường như dân ca đã thấm sâu vào trong máu thịt, vào trong từng hơi thở cuộc sống của tôi, vì thế dù cuộc sống có đưa đẩy thế nào, tôi vẫn trọn vẹn tình yêu với dân ca…”. Và tình yêu dân ca của chị đã truyền lửa cho rất nhiều thế hệ trẻ hôm nay ở trung tâm. Rất nhiều diễn viên trẻ hôm nay đã coi chị là thần tượng, nhìn gương chị để cống hiến, để theo đuổi đam mê.
Đó là diễn viên trẻ Quế Thương, Minh Tuệ, Hồng Dương hay những lớp diễn viên kế cận như Phan Lê, Phương Linh. Diễn viên trẻ Phan Lê (sinh năm 1990) tâm sự: Vẫn biết để sống được với nghề rất khó nhưng em vẫn chọn dân ca. Từ nhỏ em đã yêu thích những câu hát giản dị, mộc mạc mà say đắm lòng người. Lớn lên, tình yêu dân ca càng thấm vào tâm hồn em nhiều hơn, và em quyết định theo học chuyên ngành dân ca tại Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh. Sau khi ra trường, em được Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ nhận vào làm việc. Được đứng trên sân khấu, được diễn những vai mà trước đây chị Hồng Lựu từng diễn là mơ ước của em.
Tuy nhiên, lớp diễn viên trẻ như Phan Lê không nhiều. Đã nhiều năm nay, trung tâm chỉ tuyển dụng được rất ít, có năm không tuyển được diễn viên nào. Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Lựu - Phó Giám đốc trung tâm cho rằng: Cơ chế của tỉnh cũng dành cho trung tâm số lượng biên chế, thế nhưng khó tìm nguồn. Bởi có làm tốt công tác tuyển sinh ở Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật khi đó trung tâm mới hy vọng có nguồn nhân lực kế cận. Hiện nay, rất nhiều diễn viên của trung tâm đang cận kề hết tuổi đứng trên sân khấu, chỉ dăm năm nữa thôi, nếu không có chiến lược tuyển sinh, chắc chắn thiếu trầm trọng đội ngũ kế cận.
Nguồn: Báo Nghệ An