LK1-03 Biệt thự Trường Thịnh Phát, Lê Nin, Vinh, Nghệ An

Thứ Hai - Thứ Sáu

info@jasa.edu.vn

0965.666.123

Số đếm trong tiếng Nhật - Cách đếm đồ vật, người

Nhìn chung, có nhiều cách đọc vì số đếm thì quan trọng nhất là đọc nhanh và dễ dàng, người Nhật sẽ đọc sao cho thuận miệng nhất có thể. Bạn cũng phải làm quen với việc này khi học số đếm tiếng Nhật.


Đếm từ 1 tới 10

Chắc các bạn ai cũng biết đếm từ 1 tới 10:
一 二 三 四 五 六 七 八 九 十
ichi - ni - san - shi/yon - go - roku - shichi/nana - hachi - kyuu (ku) - juu

Chú ý là số 4 và số 7 có tới 2 cách đọc, vậy khi nào dùng "yon" ("bốn"), khi nào dùng "shi" ("tứ")? Phần lớn trường hợp bạn sẽ chỉ dùng "yon" cho số 四:

- 四回 yon-kai = bốn lần
- 四階 yon-kai = lầu bốn, tầng bốn
- 四百 yon-hyaku = bốn trăm

Số bảy 七 (mà các bạn có thấy số này là số 7 lộn ngược không nhỉ?) cũng vậy, phần lớn dùng "nana":

- 七回 nana-kai = bảy lần
- 七階 nana-kai = lầu bảy
- 七百 nana-hyaku = bảy trăm

Vậy "shi" và "shichi" dùng thế nào? Đó thường là dùng khi đơn thuần là đếm, như trong quyền anh hay đếm số động tác bạn đã thực hiện (karate chẳng hạn) thì sẽ đếm là "ichi ni san shi go roku shichi hachi kyuu juu".
Bạn cũng nên nhớ là số chín 九 có thể đọc là "ku" nữa, ví dụ:
19日(十九日) juu-ku nichi = ngày 19
19日(十九日) juu-kyuu nichi = ngày 19

Số 10 (十) cũng có thể đọc là "ju" thay vì "juu" hay "じっ" với âm lặp ("tsu" nhỏ):
- 十分 juppun = 10 phút
- 十分 juu-fun = 10 phút
- 十分 (じっぴん) jippun = 10 phút

Nhìn chung, có nhiều cách đọc vì số đếm thì quan trọng nhất là đọc nhanh và dễ dàng, người Nhật sẽ đọc sao cho thuận miệng nhất có thể. Bạn cũng phải làm quen với việc này khi học số đếm tiếng Nhật.

Số 0

Số 0 không phải là thứ dễ dàng để người ta phát minh ra, bằng chứng là số La Mã không có số 0. So với các con số khác thì số 0 mãi sau này mới ra đời. Trong tiếng Nhật, số 0 thường được mượn từ tiếng Anh là "Zero" thành ゼロ. Ngoài ra còn dùng chữ kanji "LINH" 零 đọc là "Rei". Tuy nhiên, trong số đếm thì người Nhật dùng "zero", còn "rei" sẽ dùng nhiều trong từ ghép kanji (熟語 jukugo thục ngữ) như:
零度 reido (linh độ) = 0℃ (nhiệt độ không độ C)
Khi viết thành văn tự, số 0 ("rei") sẽ viết là 〇 (để viết số không này thì bạn gõ "zero"), ví dụ:
Ba mươi = 三〇 (san-juu)

Chữ số trong văn tự, khế ước
Trong văn tự, khế ước bạn không thể dùng các con số 一,二,三,十. Ví dụ, bạn vay tiền Takahashi và để lại giấy vay tiền như sau:
"Tôi có vay của anh Takahashi số tiền là 一 lượng vàng và 十 lượng bạc" (tức là một lượng vàng và mười lượng bạc)
Anh Takahashi này, vốn rất giỏi làm giả giấy tờ, sẽ chữa lại bằng cách thêm vài nét thành:
"Tôi có vay của anh Takahashi số tiền là 三 lượng vàng và 千 lượng bạc" (tức ba lượng vàng và ngàn lượng bạc)
Thế là tự nhiên số nợ của bạn bị đội lên gấp nhiều lần, thậm chí còn khiến bạn phá sản. Để tránh như vậy, người Nhật (và người China) sẽ dùng thay thế các chữ trên thành các chữ sau:
一 thành 壱
二 thành 弐
三 thành 参
十 thành 拾
Nhân tiện nói luôn, chữ 万 "man" (vạn) có chữ cổ là 萬, trong các bài thơ cổ của Việt Nam đều dùng chữ "vạn" 萬 này.

Số đếm thuần Nhật

"Một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chin, mười" thực ra là cách đếm thuần Việt. Còn cách đếm mượn phải là "nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục, thất, bát, cửu, thập". Còn người Nhật lại thường dùng cách đếm mượn là "ichi, ni, san, shi, go, roku, shichi, hachi, kyuu, juu". Tuy nhiên, người Nhật cũng dùng cách đếm thuần Nhật trong nhiều trường hợp đếm với lượng từ chỉ đếm, ví dụ đếm "cái" (một cái, hai cái, ba cái, ...). Cách đếm thuần Nhật là như sau:
ひとつ,一つ hito-tsu = một cái
ふたつ,二つ futa-tsu = hai cái
みつ,三つ mi-tsu = ba cái
よつ,四つ yo-tsu = bốn cái
いつつ,五つ itsu-tsu = năm cái
むつ,六つ mu-tsu = sáu cái
ななつ,七つ nana-tsu = bảy cái
やつ,八つ ya-tsu = tám cái
ここのつ,九つ kokono-tsu = chín cái
とお,十 too = mười

Đếm số từ 11 tới một trăm triệu ngàn tỷ!

Công thức đếm từ 11 tới 19:
十 juu + [ichi, ni, san, yon, go, roku, nana, hachi, kyuu/ku]
Không dùng "shi" cho 4 và ít dùng "shichi" cho 7. Ví dụ, "mười chín" sẽ là "juukyuu" hay "juuku", viết là "19" hoặc "十九". "十九" là cách viết giống như viết bằng chữ "mười chín" trong tiếng Việt vậy.

Công thức đếm 20, 30, 40, 50, 60, 70, 80, 90:
[ni, san, yon, go, roku, nana, hachi, kyuu] + 十 juu
Ví dụ: 九十 kyuujuu = chín mươi

Công thức đếm 21 => 29:
二十 nijuu + [ichi, ni, san, yon, go, roku, nana, hachi, kyuu/ku]
Ví dụ 25 (二十五) = nijuu-go
Đếm hàng 30, 40, .... cũng không khác.

Đếm "trăm":
Một trăm: 百 hyaku (kanji: bách)
Hai trăm, bốn trăm, năm trăm, bảy trăm, chín trăm:
[ni, yon, go, nana, kyuu] + 百 hyaku
Ba trăm: 三百 = さんびゃく = sanbyaku, vì "san" kết thúc bằng "n" nên có biến âm từ "h" thành "b".
Sáu trăm: 六百 = ろっぴゃく = roppyaku, vì "roku" kết thúc là "ku" nên biến thành lặp cho dễ đọc
Tám trăm: 八百 = はっぴゃく = happyaku, vì "hachi" kết thúc là "tsu/chi" nên biến thành lặp cho dễ đọc

Đếm con số có hàng trăm: Cứ đếm hàng trăm trước rồi hàng chục rồi hàng đơn vị
Ví dụ: 325 sẽ đếm là "ba trăm" (san-byaku) "hai mươi lăm" (nijuu-go) => sanbyaku nijuu-go.
Hoàn toàn chẳng có gì khó khăn đúng không?

Đếm hàng ngàn
Một ngàn: 千 sen (kanji: thiên), chú ý là không có "ichi" nhé
Hai ngàn, bốn ngàn, năm ngàn, sáu ngàn, bảy ngàn, chín ngàn:
[ni, yon, go, roku, nana, kyuu] + 千 sen

Ba ngàn: 三千 sanzen (biến âm "s" => "z" do đi sau "n")
Tám ngàn: 八千 hassen (biến âm thành lặp do "chi" đi trước "s")

Đếm số hàng ngàn: Cứ đếm từng hàng một
Ví dụ 6230 => "sáu ngàn" (rokusen) "hai trăm" (nihyaku) "ba mươi" (sanjuu) => "roku-sen ni-hyaku sanjuu". Viết chữ: 六千二百三十

Đếm hàng VẠN
[1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10] + 万 man
Chú ý là "một vạn" đếm là "ichi man" chứ không phải là "man" không như trường hợp đếm một ngàn (sen) nhé. Ngoài ra, tiếng Nhật sẽ đếm theo cơ bản là "vạn" (bốn số 0) chứ không phải hàng ngàn (ba số 0) như Việt Nam nên có số "mười vạn (juuman)", trong khi tiếng Việt phải đếm là "một trăm ngàn".
Ví dụ: 39674 => san-man kyuu-sen roppyaku nana-juu yon, viết chữ: 三万九千六百七十四

Tiếng Nhật: Đếm hàng 4 con số # Tiếng Việt: Đếm hàng 3 con số
Các bạn cần chú ý là tiếng Nhật đếm hàng 4 con số, còn tiếng Việt đếm hàng 3 con số. Tiếng Việt sẽ dùng đơn vị đếm là "ngàn, triệu, tỷ, ngàn tỷ, triệu tỷ, tỷ tỷ". Tất nhiên là số từ hàng trăm trở xuống hay các số lẻ xen kẽ thì đếm là "trăm, mươi, [đơn vị]".
Còn người Nhật sẽ đếm theo hàng các hàng sau:
万 man = vạn, 10^4 (chục ngàn)
億 oku = ức, 10^8 (trăm triệu)
兆 chou = triệu, 10^12 (triệu triệu)
Các hàng lớn hơn: Tham khảo wekipedia
Dưới đây tôi tổng kết cách đếm các số lớn từ tiếng Việt sang tương ứng tiếng Nhật:
Ngàn: 千 sen
Mươi ngàn (chục ngàn, 10^4): 万 man
Trăm ngàn (10^5): 十万 juu-man
Triệu (10^6): 百万 hyaku-man
Mươi triệu (chục triệu): 千万 sen-man
Trăm triệu (10^8): 億 oku
Tỷ: 十億 juu-oku
Mươi tỷ (chục tỷ): 百億 hyaku-oku
Trăm tỷ: 千億 sen-oku
Ngàn tỷ (10^12): 兆 chou
Mươi ngàn tỷ: 十兆 juu-chou
Trăm ngàn tỷ: 百兆 hyaku-chou
Triệu tỷ: 千兆 sen-chou
Một trăm triệu ngàn tỷ sẽ là 10^16, là 一京 (ikkei, nhất kinh).

Đếm ngày, đếm tuổi, đếm người
Đếm ngày ở đây là ngày mấy, mùng mấy, chứ không phải là "mấy ngày". Người Nhật sẽ dùng con số thuần Nhật để đếm từ "mùng một" cho tới "mùng mười".
Mùng một: 一日,ついたち tsuitachi
Mùng hai: 二日,ふつか futsuka
Mùng ba: 三日,みっか mikka
Mùng bốn: 四日,よっか yokka
Mùng năm: 五日,いつか itsuka
Mùng sáu: 六日,むいか muika
Mùng bảy: 七日,なのか nanoka
Mùng tám: 八日,ようか youka
Mùng chín: 九日,ここのか kokonoka
Mùng mười: 十日,とおか tooka
Bạn có thể thấy ngày bốn và ngày tám dễ nhầm với nhau (yokka với youka), "ngày năm" 五日 itsuka cũng dễ nhầm với いつか "itsuka" = "khi nào đó" (Chỉ thời điểm không xác định cụ thể như trong câu "必ずいつか故郷へ帰るよ Kanarazu itsuka furusato e kaeru yo" = "Nhất định có một ngày tôi sẽ về quê đấy").
Từ ngày 11 trở đi: Đếm như số đếm thông thường
[Số đếm] + 日 nichi
Ví dụ ngày 14 là "juu yon nichi" hoặc "juu yokka".
Tuy nhiên riêng ngày 20 là đặc biệt:
Ngày hai mươi: 二十日,はつか hatsuka

Đếm ngày, đếm tháng, đếm năm
"Năm 2012" thì sẽ là "2012年" (ni-sen juu-ni NEN), còn "8 năm" sẽ là 八年間(8年間) = "hachi nenkan". "Năm thứ tám" sẽ là "八年目 hachi-nen ME" ("me" dùng để đếm thư mấy). "Ngày thứ hai" (không phải Monday nhé) sẽ là "二日目 futsuka-me".
Đếm số thứ tự tháng thì dùng "月 gatsu", ví dụ "Tháng 12" = 12月 juu-ni gatsu.
"Mười hai tháng" thì dùng "ヶ月 ka getsu" (hay có thể viết là 箇月,ヵ月,か月), chú ý là mặc dù viết là chữ "ke" katakana nhỏ nhưng đọc là "ka" (có lẽ là do viết chữ "ka" nhỏ nhìn giốn "ke" quá nên viết thành "ke" cho nhanh).
Tuần sẽ là "週間 shuukan". Đếm ngày thì như nói ở bên trên.
Ví dụ về nói ngày tháng năm:
Ngày 15 tháng 9 năm 2010, đã 10 năm kể từ khi tôi bước chân ra đi.
2010年9月15日,旅に出てからもう10年間.
Ni-sen-juu-nen ku-gatsu juu-go-nichi, tabi ni dete kara mō juu-nenkan.
Ngay từ năm thứ hai đã có biến cố lớn.
2年目から大きな出来事があった.
Ni-nen-me kara ōkina dekigoto ga atta.
Biến cố này kéo dài suốt hai năm.
この出来事はずっと2年間続いていた.
Kono dekigoto wa zutto ni-nenkan tsudzuite ita.
Nó làm tôi như già đi hàng chục tuổi.
それは私に何十歳も年をとらせたようだ.
Sore wa watashi ni nan jū-sai mo toshi o toraseta you da.

Đếm tuổi
Thì cũng không có gì đặc biệt, chỉ cần "[Số đếm] + 歳 sai" (kanji: TUẾ), ví dụ "một tuổi" là "issai". Riêng "hai mươi tuổi" thì đặc biệt:
Hai mươi tuổi: 二十歳,はたち hatachi

Đếm người
Một người, hai người thì đếm theo thuần Nhật thành "一人,ひとり hitori", "二人,ふたり futari" còn từ 3 người trở lên thì là "[Số đếm] + 人 nin".

Đếm số ngày
Một ngày: 一日,いちにち ichi-nichi
Hai ngày: 二日間,ふつかかん futsukakan
Ba ngày ~ mười ngày: Như đếm ngày mấy thêm 間 "kan"
11 ngày trở lên: Như đếm ngày mấy
Hai mươi ngày: 二十日間 hatsukakan

Diễn tả số lượng hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn (số lớn không đếm xuể)
Ví dụ "Hàng ngàn người đã tập trung ở quảng trường": Dùng công thức dưới đây.
[Số đếm] + [Lượng từ ] + も mo
Hàng ngàn người đã tập trung ở quảng trường = 何千人もの人は広場に集まった Nan-sen nin mo no hito wa hiroba ni atsumatta
Hàng chục xe hơi đã gặp sự cố = 自動車は何十台もトラブルに遭った Jidousha wa nan-juu-dai-mo toraburu ni atta
Về lượng từ thì các bạn xem dưới đây, ở đây lượng từ đếm người là "人 nin", lượng từ đếm xe / máy móc là "台 dai".

LƯỢNG TỪ TIẾNG NHẬT

Giả sử bạn nói "ba chiếc xe hơi / ba cái xe hơi" thì bạn sẽ nói trong tiếng Nhật là thế nào? "San jidousha"? "Mitsu no jidousha"? "Mitsu no kuruma?"
Thật ra tiếng Nhật có lượng từ riêng để đếm máy móc, xe cộ, đó là: 台 dai.

- Ba chiếc xe hơi = 車三台 kuruma san-dai

Dưới đây là một số lượng từ hay dùng:

- Đếm người: 人 nin
- Đếm người lịch sự (khách hàng, đối phương, v.v...): 名 mei
- Đếm máy móc, xe cộ: 台 dai
- Đếm tờ (giấy): 枚 mai
- Đếm số bộ (bộ hồ sơ): 部 bu
- Đếm quyển (sách): 冊 satsu
- Đếm cây, que (vật dài như ô, dù, que kem): 本 hon (một cây = 一本 ippon)
- Đếm số lần: 回 kai, ví dụ "ba lần = 三回 sankai"
- Đếm lầu (tầng): 階 kai (kanji: giai (giai cấp)), chú ý "tầng ba" sẽ là "三階" san-gai khác với "ba lần sankai" ở trên, còn các lầu khác thì phát âm giống
- Đếm cửa hàng, nhà mặt tiền: 軒 ken (kanji: hiên)
- Đếm số kiện, số vấn đề: 件 ken
- Đếm bìa đậu: 丁 chou ("đinh")
- Đếm giờ: 時間 jikan ("thời gian")
- Đếm phút: 分 fun
- Đếm giây: 秒 byou
- Đếm con vật: 匹 hiki (một con: ippiki)
- Đếm gà, gia cầm: 羽 wa ("vũ" = cánh)
- Đếm gia súc: 頭 tou ("đầu")
- Đếm số lần lớn hơn: 倍 bai ("bội")
- Đếm cái/chiếc: 個 ko ("cá")
- Đếm số đêm thuê nhà nghỉ / khách sạn: 泊 haku (một đêm: ippaku)
- Đếm số ghế (xe hơi): 席 seki ("tịch")
- Đếm số toa xe, toa tàu: 車両 sharyou ("xa lưỡng")
- Đếm số bữa ăn: 膳 zen ("thiện" = bữa ăn, khác với 善 "thiện" nhé)
- Đếm giọt chất lỏng: 滴 teki
- Đếm số cách làm: 通り toori
- Đếm số thư: 通 tsuu
- Đếm số điểm (điểm, vấn đề): 点 ten
- Đếm số loại: 種類 shurui

Cách đơn giản hóa lượng từ tiếng Nhật
Ví dụ bạn dùng là "cái" hết, tức là "tsu", ví dụ hai xe hơi sẽ là:
二つの車,車二つ / futatsu no kuruma, kuruma futatsu
Một số cái bạn dùng số đếm trực tiếp, ví dụ:
Hai công ty: 二社 nisha
Ba nhà máy: 3工場 san-koujou
Hai loại: 2種類 ni shurui
Nếu các bạn không chắc về lượng từ thích hợp thì hãy dùng "つ tsu" là an toàn nhất.

Nếu bạn nắm rõ lượng từ, bạn sẽ có thể diễn đạt tự nhiên hơn, ví dụ "Tôi muốn mua hai bìa đậu" sẽ là 「豆腐を2丁買いたいです.」 (Toufu wo ni-chou kaitai desu). Còn nếu bạn nói 「豆腐を二つ買いたいです」 (Toufu wo futatsu kaitai desu) thì chắc người bán vẫn hiểu thôi, nhưng lại thành ra "Tôi muốn mua hai cái đậu phụ" mất.
Hay là nếu bạn hai mươi tuổi mà nói là "二十歳 nijussai" thì cũng chẳng có vấn đề gì lắm, mặc dù đúng ra phải là "二十歳 hatachi".


Đếm "nửa" 1/2 半 han
Nửa sẽ đếm bằng "半" (han, kanji: BÁN), ví dụ: 2年半 ninenhan hai năm rưỡi, 1時間半 ichi-jikan-han = một giờ đồng hồ rưỡi.
Chú ý là 1時半 ichi-ji-han là thời điểm một giờ rưỡi nhé.
Nửa ngày 半日 han-nichi
Nửa giờ 半時間 han-jikan
Nửa tháng 半月 han-tsuki còn 半月 han-getsu là "bán nguyệt" (mặt trăng bán nguyệt hay hình bán nguyệt)
Một nửa 半分 hanbun (BÁN PHÂN) / 半 han
Nửa năm 半年 hantoshi
Nửa đời 半生 hansei (BÁN SINH)
Nửa hình tròn / Bán viên = 半円 han-en
Công thức: 半 han + [Tên]

Đếm hoa
一輪 ichi-rin (NHẤT LUÂN): Đếm bông hoa đã nở
一本 ippon đếm bông hoa cả cuống
一枝 isshi (NHẤT CHI) đếm cành hoa
一束 issoku (NHẤT THÚC) đếm bó hoa = 一束 hitotaba một bó

Theo saromalang

Tin liên quan
  •  10 câu nói tiếng Nhật hay về gia đình
      10 câu nói tiếng Nhật hay về gia đình

      Người Nhật coi trọng sự gắn bó và đặt gia đình lên trên nhất. Không chỉ bởi những phẩm chất đặc trưng của con người nơi đây, mà còn bởi tính cách văn hóa tuyệt vời của họ. Cùng tìm hiểu 10 câu nói tiếng Nhật hay về gia đình của Nhật Bản nhé.

  • 10 từ vựng Kanji tiếng Nhật với gốc 言
      10 từ vựng Kanji tiếng Nhật với gốc 言

      Trong bài học từ vựng tiếng Nhật này, chúng ta cùng tìm hiểu danh sách 10 từ vựng tiếng Nhật Kanji với gốc 言. Đây là những cụm từ Kanji khá phổ biến và hay gặp.

  •  Học thêm tiếng Nhật - Châm ngôn Nhật Bản
      Học thêm tiếng Nhật - Châm ngôn Nhật Bản

      Phần học thêm tiếng Nhật về châm ngôn hay văn hóa, phong tục Nhật Bản là một yếu tố cơ bản cần thiết và vô cùng thú vị. Nắm được và biết cách dùng những châm ngôn, ngạn ngữ tiếng Nhật này không chỉ giúp bạn nâng cao và trau dồi khả năng ngôn ngữ, nó còn giúp bạn giao tiếp tốt hơn và hiểu rõ hơn về tiếng Nhật và đất nước bạn theo học.

  •  Từ vựng tiếng Nhật về gia đình
      Từ vựng tiếng Nhật về gia đình

      Hôm nay chúng ta sẽ học từ vựng tiếng Nhật về chủ đề gia đình Nhé. Những từ vựng tiếng nhật về gia đình là một trong những điều vô cùng quan trọng và cần phải học trong tiếng Nhật.

  • Tiếng Nhật trong công việc
      Tiếng Nhật trong công việc

      Đi kèm với hội nhập và phát triển, rất nhiều người Việt Nam làm việc cho các công ty của Nhật Bản. Tiếng Nhật trong công việc theo đó cũng vô cùng cần thiết. Vậy học tiếng Nhật cho những người đi làm ở đâu?

  • Những vấn đề thường gặp của người Việt khi học tiếng Nhật